Đêm tân hôn được xem là thời điểm thăng hoa của các cặp đôi sắp bước vào cuộc sống hôn nhân. Nhưng cũng có không ít sự cố dở khóc dở cười xảy ra khiến cho cả cô dâu và chú rể được một phen “nhớ đời”, trong đó có việc vợ “tới tháng”.
Dời đêm tân hôn 2 tuần vì “đèn đỏ”
Cặp Trung – Mai (quận Thủ Đức, TP.HCM) chưa hết ngậm ngùi khi nhắc lại kỉ niệm cách đây gần năm năm vào đêm tân hôn. Hôn nhân của họ là kết quả của tình yêu thời sinh viên. Với mong muốn giữ trọn “cái ngàn vàng” cho người yêu, cho chồng để không rơi vào cảnh “ăn cơm trước kẻng” nên Mai quyết tâm khước từ mọi lời năn nỉ, xin xỏ của Trung trong thời gian yêu nhau.
Một phần vì không muốn người yêu khó nghĩ, một phần vì mong muốn hạnh phúc vợ chồng sau này trọn vẹn nên Trung cũng “cắn răng” chờ đợi. Rồi ngày hạnh phúc nhất cũng đã đến. Mọi thứ đã được cả hai chuẩn bị kỹ càng từ cách đó rất lâu, chỉ cần đến giờ là cả hai sẵn sàng để “nấu gạo thành cơm”. Nhưng đến giờ “vàng” thì Trung thực sự ngã ngửa khi Mai thổ lộ chuyện “động trời” ấy. Cả hai vợ chồng đành ngủ chay chờ đến ngày “đèn xanh” trở lại.
Cũng oái oăm không kém. Hạnh, nhân viên văn phòng tại quận 1, TP.HCM cũng mong đợi đêm ái ân của mình với người chồng sắp cưới. Trước ngày cưới hơn tháng, cô lên mạng tìm kiếm chút “kinh nghiệm” và ngay cả những sự cố có thể xảy ra khiến “chuyện ấy” không được như ý muốn.
Nhưng Hạnh cũng không ngờ rằng chính mình là nạn nhân của những pha “độc” như thế. Hạnh nhớ lại: “Trở về phòng sau một ngày bận rộn khách khứa trong tiệc cưới, tôi trút bỏ bộ váy cô dâu, lao vào phòng tắm để xả stress lấy lại tinh thần và chuẩn bị thể xác cho giây phút hiến dâng trọn vẹn. Nhưng chưa kịp hưởng thụ cảm giác hạnh phúc tràn trề ấy thì tôi phát hiện mình rơi vào ngày “đèn đỏ”.
Cô áy náy không biết sẽ phải nói như thế nào với anh vì cô mắc bệnh rong kinh, coi như đêm tân hôn dời lại ít nhất hai tuần”.
Nhắm mắt vượt “đèn đỏ”, mẹ chồng giải cứu con dâu
Không như Mai và Hạnh, Trâm (quận 10, TP.HCM) kể lại chuyện của mình. Do được bà chị dâu tư vấn về vấn đề này trước đó nên cô cố gắng căn chu kỳ kinh của mình và tìm mọi cách để “tránh”.
Cô uống đủ các loại thuốc làm trễ ngày “đèn đỏ” theo lời khuyên của cô bạn làm bác sĩ. Rồi để chắc ăn hơn, cô mua rau răm ăn lấy ăn để đúng như bí quyết mà mẹ cô căn dặn. Nhưng do tâm lý cô dâu ngày cưới, căng thẳng, lo lắng quá nhiều nên đúng ngày cô lên xe hoa cũng chính là ngày cô “mắc kẹt”.
Không muốn chồng mất hứng và cũng không đủ kiên nhẫn để chờ đợi thêm giây phút nào nữa nên Trâm quyết định im lặng và vẫn “vào cuộc” như đã “giao kèo”. Nhưng vì ông xã thiếu kinh nghiệm, nên trong lúc mây mưa, anh chồng bỗng hét toáng lên vì nghĩ vợ bị xung huyết. Khi mọi chuyện ra ngô ra khoai thì cũng chính là lúc bà mẹ chồng đã có mặt trong phòng ngủ để “giải cứu” con dâu. Cô dâu từ nay xin chừa vượt đèn đỏ.
Nghĩ lại chuyện cũ Trâm chưa hết xấu hổ “giá mà lúc đó mình đừng sốt sắng, chu đáo ‘phòng’ nó quá thì chắc nó không đến mức tệ như thế. Đôi khi mình tính không bằng trời tính”.
Cần sự đồng cảm
Chuyên gia tâm lý, thạc sĩ Lê Minh Công – Trung tâm tâm lý học Sông Phố (TP Biên Hòa – tỉnh Đồng Nai) cho biết: “Tới tháng” là thuật ngữ người dân hay dùng để nói đến ngày có chu kỳ kinh nguyệt của người phụ nữ, đây là hoạt động sinh lý của bất kỳ người phụ nữ bình thường nào.
Cá nhân tôi cho rằng, trường hợp mà cô dâu, chú rể cưới nhau mà có đêm tân hôn vào đúng ngày đó thì cũng không có gì đáng ngạc nhiên và là hoàn toàn bình thường. Về tâm lý cá nhân, tôi cho rằng cả cô dâu và chủ rể đã hiểu về nhau trước khi kết hôn, đồng thời không vì chuyện này mà để ảnh hưởng đến cảm xúc và tình cảm của cả hai vợ chồng. Tình dục là sự thăng hoa của cảm xúc hôn nhân, nhưng đó không phải là tất cả của hôn nhân.
Tôi cho rằng, cần bình thường hóa chuyện này về cả phía cô dâu và chú rể, nhất là chủ rể thì cần chia sẻ và đồng cảm với cô dâu hơn. Cũng có nhiều cô dâu vì việc này mà cảm thấy có lỗi, hay buồn. Lúc này cần có sự động viên, nâng đỡ và một thái độ chăm sóc của chú rể. Có thể có những hành động thể hiện sự yêu thương nhau chứ không nhất thiết là tình dục.
Tình dục là sự khám phá lẫn nhau, chứ không phải là một cái đích cần đạt được, như vậy sự khám phá càng lâu dài thì tình dục càng thăng hoa, càng có điều kiện hiểu nhau hơn. Việc động phòng là bình thường của các cặp hôn nhân.
Về chuyện quan hệ tình dục, nhiều người cho rằng vẫn có thể quan hệ trong thời kỳ phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt, tuy nhiên nó rất mất vệ sinh và có thể gây ra các bệnh truyền nhiễm, có thể làm mất hứng thú tình dục giữa hai phái. Do đó, cá nhân tôi cho rằng không nhất thiết phải nóng vội đến mức vượt “đèn đỏ” như vậy.
Hãy ứng xử với tình dục có văn hóa và khám phá, không nên coi tình dục chỉ là phương tiện, điều này đôi khi làm chúng ta tổn thương và có những khó khăn trong quan hệ, sự nhàm chán. Chúng ta có cả cuộc đời để khám phá lẫn nhau và hay coi như hôn nhân là sự bắt đầu của tiến trình khám phá ấy.